Nữ vô địch wushu thế giới thành khắc tinh của tội phạm

HÀ NỘIGiành 5 huy chương vàng võ wushu trong sự nghiệp thể thao, Ngô Thị Hà tạo bước ngoặt mới của cuộc đời khi sang làm trinh sát bắt tội phạm truy nã.

Đại uý Ngô Thị Hà, cán bộ Phòng truy nã, truy tìm Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, thích võ thuật từ bé song đành gác lại đam mê vì nhà nghèo tới 7 anh chị em. Hết lớp 5, cô bé Hà ngày ấy không học trung học cơ sở mà tham gia các lớp học văn hoá ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Từ Liêm, Hà Nội để có nhiều thời gian đi làm thêm. Nhỏ hơn các bạn đồng trang lứa song Hà làm đủ nghề lặt vặt để phụ giúp gia đình.

Những lúc rảnh rỗi, Hà không đi thả diều, chơi ô ăn quan như chúng bạn mà tập theo các bài võ “học lỏm” trên tivi. “Thể thao và cảnh sát là hai mơ ước mơ lớn nhất đời tôi”, Hà nói. Với khao khát học võ cháy bỏng, năm 16 tuổi, cô xin vào học võ thuật miễn phí ở Trung tâm Văn hoá Thể thao huyện Từ Liêm. Hà chấp nhận giảm thời gian đi làm để mỗi ngày luyện tập từ 17 đến 20h. “Nghề thể thao bạc lắm”, bố mẹ ngăn cản vậy song Hà vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ.

“Tôi đấu tranh tư tưởng rất lâu mới đưa ra quyết định bởi bây giờ không đăng ký sẽ chẳng có hội nữa vì quá tuổi. Tôi từng ước ao học võ chuyên nghiệp sớm hơn nhưng thế lúc đó không thể phụ giúp gia đình”, Hà kể. Từ lúc học võ, cô chấp nhận vất vả hơn khi ngày tập luyện và học văn hóa, đến tối mới đi bán rau ở chợ đêm.

20 tuổi, Hà đăng ký vào lớp học tán thủ nữ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Ba tháng đầu, mỗi ngày Hà được mẹ cho 2.000 đồng chi tiêu. Có những hôm, cô chỉ dám dùng 400 đồng để mua hai bánh mỳ ăn chống đói, còn lại để tiết kiệm mua trang phục, công cụ thi đấu.

“Cứng tuổi” mới bắt đầu học nên Hà mất cả tháng làm quen bắt đầu được tập các bài chuyên nghiệp. Hàng tối, đạp xe gần 30 km từ nhà ra chợ bán rau nên nhiều hôm vừa giơ chân lên tập Hà mệt đến muốn ngã khuỵ ra sàn đấu. Dù có khổ hơn nữa Hà cũng không buông bỏ giấc mơ bởi “bản tính là vậy, đã hạ quyết tâm sẽ cố đến cùng”.

Đại uý Ngô Thị Hà. Ảnh: Phạm Dự.
Đại uý Ngô Thị Hà. Ảnh: Phạm Dự.

Sau thời gian ngắn tập luyện, Hà giành huy chương vàng đầu tiên ở giải vô địch toàn quốc, cuối năm 2001. Đây là động lực để cô càng quyết tâm thành vận động viên chuyên nghiệp.

Hai năm sau, ở giải đấu quốc tế đầu tiên tham dự, Hà giành huy chương vàng giải vô địch tán thủ thế giới ở hạng cân 56 kg. Đây cũng là chiếc huy chương vàng đầu tiên ở bộ môn này trên đấu trường quốc tế của Việt Nam, Hà cho hay.

Ba năm sau đó, nữ tán thủ tiếp tục giành thêm một huy chương vàng, một huy chương bạc SEA Games thì bị chấn thương dây chằng đầu gối song vẫn nén đau tập luyện. Năm 2006, Hà không tham gia các giải đấu để theo học Đại học Thể dục thể thao. Dù nuối tiếc nghề võ song sức khoẻ không ổn định, lại nhiều tuổi so với yêu cầu, Hà đành chấp nhận.

Tốt nghiệp đại học, Hà đứng giữa lựa chọn ở lại trường hay vào ngành công an. “Làm giảng viên sẽ có cuộc sống ổn định và phù hợp với thể trạng phụ nữ, còn ứng tuyển vào ngành công an có thể sẽ trượt hoặc nếu đỗ cũng sẽ vất vả về sau. Nhưng hai ước mơ đã thực hiện được một nên tôi quyết định nộp hồ sơ vào Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52 cũ) với suy nghĩ “được ăn cả ngã về không””, Hà kể.

1/5/2012 là ngày không bao giờ quên với Hà khi được nhận quyết định chính thức vào lực lượng vũ trang. Hà mang bộ quân phục ra là phẳng phiu và mặc thử, đứng soi trước gương cả tiếng. Cả đêm, Hà mất ngủ, nghĩ vẩn vơ về quãng đường mới nhiều thử thách phía trước. Sáng hôm sau, cô ăn vội nửa nắm cơm rồi diện sắc phục màu xanh, hân hoan phóng xe máy đến cơ quan.

Hôm đó, trời nắng đẹp. Hà không nhớ suốt quãng đường hơn 10 km đã hát được bao nhiêu bài “nhầm cả lời lẫn nhạc”. Khi được lãnh đạo Cục trao quyết định và quân hàm thiếu uý, Hà bật khóc, tự hứa sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và giữ bình yên cho xã hội. Trong những ngày đầu tiên này, cô được đồng nghiệp trìu mến đặt biệt danh là Hà “Võ”.

Ngô Thị Hà (áo đỏ) trong trận đấu với đối thủ người Hy Lạp ở giải vô địch tán thủ thế giới, năm 2003. Ảnh: NVCC.
Ngô Thị Hà (áo đỏ) trong trận đấu với tuyển thủ người Hy Lạp ở giải vô địch tán thủ thế giới, năm 2003. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với lợi thế võ thuật, sức khoẻ dẻo dai và mê bắt tội phạm, Hà được bố trí về Phòng trinh sát của C52. Vụ án tham gia đầu tiên là truy bắt một nữ bị can phạm tội môi giới mại dâm bị phát lệnh truy nã gần một năm. Sau khi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ vẫn bặt vô âm tín, Hà được giao nhiệm vụ “câu kéo” để dụ nghi phạm ra mặt. “Như là duyên số”, chỉ sau vài ngày trinh sát, Hà đã làm thân được nghi phạm và phát hiện chị ta đang làm công nhân tại công trường xây dựng ở Hà Nội.

Tổ công tác bốn người, trong đó mình Hà là con gái lập tức lên đường. Khi đến nơi, cô phát hiện nghi phạm đang làm việc cùng con gái nên nhanh trí tách hai mẹ con ra để đảm bảo an toàn và tránh gây hoảng sợ cho cháu bé. Với phương án này, trong chừng một phút tiếp cận nói chuyện, Hà nhanh chóng khống chế được nghi phạm, buộc tra tay vào còng số 8.

Chuyên án không lớn, song mấy ngày sau đó Hà “như trên mây” vì lần đầu tiên bắt tội phạm. “Tưởng rằng việc đó chỉ xem ở phim hình sự, nào ngờ có ngày mình đã làm được”, Hà nói.

Hai ước mơ lớn nhất đời đã hoàn thành, giờ Hà ấp ủ kế hoạch mở lớp dạy bơi và võ miễn phí cho trẻ em, đặc biệt là các bé gái để có thể tự lập và bảo vệ mình khi gặp tình huống xấu. Cô cũng dự định mở các buổi tập huấn để trau dồi kỹ năng võ thuật, chiến đấu cho các đồng nghiệp trong Cục Cảnh sát hình sự.

Thượng tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Chính trị Cục Cảnh sát hình sự cho biết ngoài nghiệp vụ giỏi, võ thuật điêu luyện, đại uý Hà còn rất có duyên khi bắt được nhiều tội phạm trốn truy nã tinh vi”. Năm 2018, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm giải thể và thành lập thành phòng truy nã, truy tìm ở Cục Cảnh sát hình sự. Từ đó, Hà thành người của đơn vị mới, là một trong các trinh sát nữ hiếm hoi trực tiếp tham gia truy bắt tội phạm.

Phạm Dự