Một số lưu ý pháp lý về kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Dịch vụ bảo vệ là loại hình kinh doanh dịch vụ đặc biệt. Với xu hướng của người dùng, dịch vụ bảo vệ mọc lên ngày càng nhiều, thúc đẩy tính cạnh tranh thương mại. Tuy nhiên, đây là loại hình dịch vụ mang tính chất đặc biệt, vì vậy khi quyết định bắt tay vào thực hiện bạn cần lưu ý nắm bắt một số nội dung trong bài viết dưới đây.

Kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật
Kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo quy định của pháp luật

Dịch vụ bảo vệ là gì?

Theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên lãnh thổ Việt Nam có định nghĩa ở khoản 7 Điều Điều 3 như sau:

“Kinh doanh dịch vụ bảo vệ, gồm: Dịch vụ bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu và các hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hoạt động bảo vệ các đối tượng, mục tiêu thuộc Danh mục Nhà nước quy định do Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và hoạt động bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.”

Điều kiện thành lập, kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Theo quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, để hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải là doanh nghiệp: Như vậy, cá nhân và hộ kinh doanh cá thể không được phép kinh doanh loại hình này

Thứ hai, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp thường là đại diện theo pháp luật của công ty hoặc thành viên trong công ty.

Một số lưu ý để tiến hành kinh doanh dịch vụ bảo vệ
Một số lưu ý để tiến hành kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Thứ ba, đáp ứng được điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Bạn có thể thực hiện thủ tục này tại cơ quan công ty an cấp huyện (quận) nơi công ty đặt trụ sở.

Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài, hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ của bạn phải đảm bảo được một trong hai điều kiện sau:

  • Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.
  • Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam phải là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm; Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên và phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nước ngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.

Trên đây là các thông tin cần thiết để bạn tiến hành đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ.