Khi phái nữ dẫn thân vào nghề bảo vệ

Có thể nói câu chuyện về những nữ nhân viên bảo vệ không chỉ đơn thuần dừng lại ở những lần đuổi bắt bọn trộm cắp trong đêm, đó còn là nhiều tình huống éo le, dở khóc, dở cười khác, nhất là họ làm việc trong bệnh viện.

Chị Nga là một nữ bảo vệ đã có hơn 4 năm kinh nghiệm trong nghề, đáng nói chị cũng không ít lần phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Chị sinh ra ở miền quê nghèo ở An Giang, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị đành phải nghỉ học giữa chừng khi còn lớp 9 và sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh. Ngày mới chập chững đặt chân lên Sài Gòn, chị đã làm tất cả những công việc để có thể kiếm ra tiền từ bán hàng rong, phục vụ quán ăn, nhà hàng cho đến thu mua ve chai…

Không được học hành đến nơi đến chốn, chỉ chỉ mong sao có một nghề ổn định để không phải vất vả bươn chải từ chỗ này đến chỗ khác. Thế rồi cái duyên đưa chị đến với nghề bảo vệ là từ sự giúp đỡ của một người bạn ở cùng phòng. Chị Nga cũng chia sẻ rằng chị cũng đã suy nghĩ nhiều và rồi quyết định đi học một khóa đào tạo bảo vệ ngắn hạn để gắn bó với nghề.

Với chiều cao khá lý tưởng (1m72) nên nhiều người bảo chị hợp với nghề bảo vệ. Qua thời gian hơn 4 năm gắn bó với công việc này những hiểm nguy, thậm chí là có lúc bị kề dao vào cổ chị cũng đều trải qua.

Cách đây gần hơn 6 tháng khi chị mới vào đảm đương công việc tại bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, chị Nga thường xuyên phải trực đêm. Một hôm vào khoảng 1h sáng bỗng có gần khoảng dăm bảy thanh niên hấp tấp đưa một nam thanh niên khác vào bệnh viện, anh ta bị thương rất nặng. Các bác sỹ, y tá không ngần ngại đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu. Nhưng điều đáng nói là toán thanh niên sặc mùi xã hội đen, bọn họ tỏ ra rất hung hãn, miệng không ngừng quát tháo, dọa  nạt bác sĩ, y tá. Ngăn họ từ ngoài không được, chị Nga vội chạy theo để đảm bảo an ninh trật tự. Chị chia sẻ, chưa kịp dứt lời, một người trong số họ quay ra, rút ngay con dao dí sát cổ khiến, bẻ ngoặt tay chị ra phía sau, không ngớt lời văng ra những câu nói tục tĩu, uy hiếp khiến chị cũng không khỏi lo lắng.

Cũng may sao, trong ca trực hôm đó có mấy anh bảo vệ nam can thiệp thì chị mới thoát được sự đeo dọa của toán thanh niên đó. Chị cho biết thêm , đó là ca trực đêm mà chị không bao giờ quên, đến bây giờ mỗi lần kể lại chị vẫn nổi gai ốc vì sợ.

Không chỉ có vậy làm trong bệnh viện cũng có không ít lần chị Nga bị người nhà bệnh nhân thượng cẳng chân hạ cẳng tay khiến bản thân vô cùng khó xử. Chị còn nhớ, cách đây 5 tháng có một trường hợp xảy ra, sau khi bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu vì bị tai nạn xe khá nghiêm trọng, người nhà bệnh nhân không giữ được bình tĩnh gào thét inh ỏi cả bệnh viện, thậm chí còn xông vào tận phòng cấp cứu. Khi được yêu cầu giữ trật tự, hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm thủ tục theo đúng quy định chị nhanh chóng đứng ra thuyên giải nhưng họ tỏ thái độ bực dọc, không ngừng chửi bớm mắc nhiếc, thiếu chút nữa đã giở trò vũ lực với chị. Tuy trải qua những sự việc như vậy chị Nga cũng không cảm thấy bức xúc hay trách mắc lại họ, chị cho rằng đó cũng là lẽ thường tình mà thôi bởi tâm trạng đang hoảng loạn nên họ mới hành động nóng này hay nông nổi như thế.  

Chị còn nói, “Ông cha ta đã có câu một điều nhịn chín điều lành, nên mình nhịn được cái nào thì hay cái đó. Chỉ khi có những hành động thái quá, vượt giới hạn cho phép thì mới cần ra tay mạnh để trấn áp”. Có thể nói thông qua đây khác với nam bảo vệ một chút, nữ bảo vệ ngoài việc phải đối mặt với những thách thức thì họ vẫn còn đó sự yếu mềm, lòng vị tha trắc ẩn. Có lẽ cũng chính vì điều đó mà chị Nga vẫn quyết tâm gắn bó với công việc dù biết nghề bảo vệ luôn đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy ở phía trước.